8 CẢM XÚC CƠ BẢN (theo mô hình của Robert Plutchik)

8 CẢM XÚC CƠ BẢN (theo mô hình của Robert Plutchik)

(Nguồn : SixSeconds – Emotional Intelligence của Daniel Goleman và từ trải nghiệm của bản thân)

8-CAM-XUC-CO-BAN-(theo-mo-hinh-cua-Robert-Plutchik)-43

Một trong những bước đầu tiên để phát triển năng lực cảm xúc của bản thân đó là việc học cách gọi tên những cảm xúc của bản thân mình đang cảm nhận trong cuộc sống hằng ngày.

Và để bắt đầu thì cần có một vốn từ vựng về cảm xúc phong phú, học cách nhận biết được những phản ứng của cơ thể mình khi cảm xúc đó đến như thế nào và hiểu được mục đích của chúng. Từng chút từng chút một. Nếu như cứ ra rả nói về cảm xúc nhưng không gọi được tên cảm xúc, không cảm nhận được nó và hiểu được nó thì thực ra mọi thứ mới đang ở tầng lý thuyết và chữ nghĩa chứ chưa thực sự là thực hành.

Việc biết có một từ nói về cảm xúc là vui vẻ
Với việc nhận ra mình đang vui, cảm nhận mình đang vui thì như thế nào và hiểu vì sao mình vui lại là điều khác hoàn toàn và mang lại những trải nghiệm hoàn toàn khác, mình thấy đi trên con đường đó thật sự rất thú vị và tuyệt vời.

Với mình, khi mình thực hành với chính mình, nó giống như đưa bản thân vào một trạng thái thiền ngắn và tĩnh tâm ngay trong hoàn cảnh đó, tập trung thật sự vào bên trong và lắng động để cảm nhận bản thân vậy. Nó cần thời gian, cần sự kiên trì và cả kỷ luật cùng với sự thả lỏng bản thân, hít thở để cảm nhận. Với cá nhân mình thì thấy việc cùng lúc thực hành thiền và phát triển EQ của bản thân thực sự rất hữu ích, hai điều này bổ sung cho nhau, không chỉ là kĩ năng đơn thuần để làm việc, mà nó thực sự hỗ trợ mình để trở nên tốt hơn trong cuộc sống và sống chân thật và toàn tâm toàn ý hơn. Bình tĩnh hơn với những người trong gia đình và có một không khí gia đình bình yên, hài hòa hơn. Không phải không có mâu thuẫn nhưng giá trị của việc thực hành sẽ được nhìn thấy cực kì rõ trong quá trình giải quyết mẫu thuẫn và tranh luận trong nhà.

******

Như các bạn thấy bên dưới là 8 cảm xúc cơ bản theo mô hình của Robert Plutchik. Để giải thích về mặt hàn lâm thì mình không đi sâu mà chỉ tập trung vào việc tên của cảm xúc này là gì, cảm nhận của cơ thể khi cảm xúc này xuất hiện là như thế nào trong quá trình mình thực hành và quan sát trên bản thân và mục đích của cảm xúc bạn đã thấy trong hình.

Khi các bạn tự cảm nhận cơ thể mình, các bạn sẽ nhận ra nhiều hơn về chính các bạn. Những điều mình viết bao gồm cả những phản ứng cơ bản của cơ thể khi mình tìm hiểu và cả những cảm nhận mình quan sát được ở chính mình trong quá trình thực hành nữa. Nhưng đó là nguồn tham khảo thôi các bạn nhé, các bạn hãy quan sát chính mình để có được thông tin về bản thân các bạn, chứ không nên mình cảm nhận như thế nào thì các bạn cũng phải y hệt như vậy và rồi lo lắng là “ Ơ sao mình lại không có cái này nhỉ, mình có bất thường ở chỗ nào không? “ Nhé 😊

Một là vì cảm xúc xuất hiện rất nhanh và không phải một đứa đến mà nhiều tên sẽ đến cùng nhau. Combo của mình sẽ khác combo của bạn.
Hai là vì mỗi người có một lý do khác nhau cho cái cảm xúc ấy và nó sẽ xuất hiện nhiều lần, tức giận chồng lên tức giận, sợ hãi chồng lên sợ hãi nhưng những cái sợ hãi và tức giận này là vì những lý do và những đối tượng khác nhau.
Hay nhỉ, phức tạp nhỉ, thú vị nhỉ, mà thôi, đường còn dài mình cùng đi nhé. Đến một ngày khi cảm xúc chuẩn bị xuất hiện nhờ một thay đổi nhỏ của cơ thể xong rồi bạn phì cười nhận ra “ à mình chuẩn bị tức giận rồi nè” tự khắc cơ thể nhẹ bẫng đi, mà không tức giận nữa, thích lắm 😊

Hãy bắt đầu bằng những bước nhỏ trên một con đường dài nào

1. Tức giận: Khi cảm xúc này xuất hiện thì đầu cảm thấy nóng ngay lập tức, mắt trở nên sắc và đứng tròng, trán và phần giữa hai lông mày nhăn lại, tim đập nhanh hơn và hơi thở dồn dập và cảm thấy hơi nóng ở phần ngực nữa, nửa trên của cơ thể cảm thấy hơi co cứng lại. Cảm giác lúc này mình ở tư thế chiến đấu có thể sẵn sàng nắm lấy vũ khí ấy.
Cảm xúc này xuất hiện muốn gửi thông điệp rằng bạn có một vấn đề cần giải quyết – có thể bạn đang không có được thứ bạn muốn, bạn không được đối xử theo cách mà bạn muốn, bạn đang không như là điều bạn mong muốn bản thân mình trở thành…

2. Sợ hãi: Cảm thấy tay chân tự dưng lạnh toát và thấy ngực co lại, căng cứng, hơi khó thở. Các cơ co cứng, tim đập nhanh và chóng mặt, mắt đảo và chớp liên tục.
Cảm xúc này muốn gửi một thông điệp là có điều gì đó nguy hiểm, nó muốn cảnh bảo bạn rằng có tác nhân có thể làm hại bạn, có thể nó đang chạm đến một mảnh ký ức trong quá khứ khiến bạn đã rất đau đớn và sợ hãi, nó cho rằng cái đó nguy hiểm cho bạn nếu bạn không đủ khả năng chịu đựng được nó.

3. Đề phòng: Mặt bạn hướng về phía có sự việc khiến bạn đề phòng (dù ở hướng trực diện hay nhìn xéo) nhưng mắt bạn đứng tròng. Hơi thở không thực sự dồn dập nhưng chắc và rõ ràng, tim đập nhanh. Chân và tay có hơi lạnh một chút, cơ thể có co cứng nhưng không lạnh bằng khi sợ hãi.
Cảm xúc này muốn gửi thông điệp là có điều gì đó mà bạn không đoán trước được sẽ xảy ra như thế nào và bạn cần chuẩn bị cho nó. Có thể là bạn đề phòng trong lúc chơi, hoạt động bạn có thể bị thương. Bạn muốn tỏ tình với ai đó và có thể thất bại hoặc bị từ chối. Bạn muốn đề đạt ý kiến mong muốn cho ai đó nhưng không được chấp thuận thì có thể lúc đó sẽ xuất hiện đề phòng.

4. Bất ngờ: Mắt mở to, lông mày và cơ mặt nhướn lên, miệng mở ( độ to thì tùy từng người) cùng nhịp hít vào, tim đập nhanh và thở sâu. Nếu chỉ có bất ngờ không thì mắt đứng tròng nhưng thường thì không có mỗi mình hắn mà có cả tên khác nữa nên mắt sẽ đứng tròng ngắn thôi.
Cảm xúc này đến khi có một sự việc không mong đợi đến với bạn ( có thể là tích cực hoặc tiêu cực), muốn gửi thông điệp là bạn tập trung vào tình huống mới đó xem điều gì đang diễn ra một cách chính xác và có được kế hoạch tốt nhất trong hành động

5. Vui sướng: mắt sáng, ánh lên long lanh, hướng nhìn lên trên, cơ mặt thả lỏng và mỉm cười. Thở nhẹ và sâu. Cơ thể ấm dần lên và thả lỏng dần.
Cảm xúc này muốn gửi thông điệp cho chúng ta về điều quan trọng với mình, cho cơ thể được nghỉ ngơi và có được sự sẵn sàng, nhiệt huyết cho những công việc mà chúng ta đang cần làm và phấn đấu cho những mục tiêu tiếp theo.

6. Buồn bã: năng lượng tụt xuống, không muốn tham gia hay làm gì cả, cơ mặt chùng xuống, ngồi lưng khom, đầu cúi, thậm chí còn muốn nằm xuống. Người trở nên nặng, các cơ thả lòng và chùng xuống. Mắt hướng nhìn xuống dưới, thở chậm, miệng cong xuống.
Cảm xúc này nhằm giúp chúng ta kết nối với những người mà chúng ta yêu thương, báo cho chúng ta tín hiệu rằng đang có một sự mất mát như là ai đó mất đi, hoặc một điều gì đó quan trọng đã mất, làm chúng ta thất vọng. Tác động của cảm xúc này lên cơ thể tạo cơ hội để chúng ta thương tiếc một mất mát, một hy vọng đã bị dập tắt và nắm bắt hậu quả lên cuộc sống của chúng ta và khi năng lượng quay trở lại, chúng ta có thể lên kế hoạch cho một khởi đầu mới.

7. Ghê tởm: Khi thấy cái gì mùi hay vị khó chịu là ngay lập tức là môi trên cong lên lệch sang một bên. Trán nhăn, nhíu mày, nhăn mũi, nuốt nước miếng, họng bị chặn lại, phần bụng co lại, cảm thấy cuồn cuộn và buồn nôn.
Cảm xúc này muốn nhắn gửi là điều đang tương tác là điều mà cơ thể thấy không lành mạnh, gây khó chịu cho cơ thể như mùi vị hoặc một ẩn dụ tương tự như vậy như phản ứng của người khác mà bạn nhìn thấy, cách cư xử, ứng xử. Theo như quan sát của Darwin thì đây là một phản ứng từ thời nguyên thủy của con người, nhăn mũi là để đóng mũi lại không hít phải khí độc, và họng bị chặn, buồn nôn là để tống chất độc ra ngoài.

 

Đừng ghét, đừng ngại, đừng trốn tránh cảm xúc nhé :D
03.05.2019

Nguồn: Fb. Vu Le Van Anh

Ngày: 3/5/2019 - đăng bởi: PhuongDT
PhuongDT 05/17/2020 10:16:49 AM

Tag: #Bài viết



:

----------------